CHƯA NGHỈ HẾT PHÉP NĂM, NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ CÒN ĐƯỢC THANH TOÁN TIỀN?
Căn cứ khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì tùy vào đối tượng người lao động và công việc mà được nghỉ hằng năm từ 12 – 16 ngày. Tuy nhiên nhiều trường hợp đã đến cuối năm những người lao động vẫn chưa nghỉ hết số ngày phép đó. Khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trường hợp được thanh toán lương cho ngày phép chưa nghỉ như sau:
“3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.”
Theo đó, chỉ có 02 trường hợp được thanh toán tiền lương cho những ngày phép chưa nghỉ gồm: Thôi việc hoặc bị mất việc làm.
Điều này đồng nghĩa rằng, nếu còn đang đi làm mà chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết phép năm, người lao động sẽ không được thanh toán tiền phép.
Trước đây, theo Bộ luật Lao động 2012, ngoài 02 trường hợp trên, nếu vì lý do khác mà người lao động chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết phép thì sẽ được doanh nghiệp thanh toán những ngày còn lại.
Hiện nay, quy định này đã hết hiệu lực nên người lao động đang làm việc cho doanh nghiệp sẽ không còn được thanh toán phép năm nếu chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết phép. Khi đó, để không bỏ lỡ quyền lợi, người lao động nên “thanh lý” các ngày phép năm còn lại theo các cách sau:
1 – Nghỉ nốt những ngày phép còn lại trước khi hết năm.
Việc nghỉ hết số ngày phép năm còn lại sẽ giúp người lao động tận dụng tối đa quyền lợi của mình.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ phép của năm trước đến hết quý I năm sau. Theo đó, người lao động sẽ có thêm thời gian để tận dụng phép năm.
2 – Thỏa thuận nghỉ gộp phép tối đa 3 năm/lần.
Khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019 có đề cập:
Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Theo đó, người lao động có thể đề cập với người sử dụng lao động để được nghỉ gộp phép năm sang năm sau nhưng tối đa chỉ là 03 năm/lần.
3 – Đi làm ngày phép và hưởng lương làm thêm giờ.
Cũng theo khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết.
Trường hợp vì lý do công việc mà yêu cầu người lao động đi làm vào ngày phép của họ thì theo điểm c khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động, ngoài tiền lương của ngày nghỉ đó, doanh nghiệp còn phải trả thêm cho người lao động ít nhất 300% lương của ngày nghỉ đó.
Như vậy, nếu vẫn đi làm vào ngày phép, người lao động sẽ không tính bù phép vào ngày khác nhưng lại được hưởng ít nhất 400% lương của ngày nghỉ đó.