CHÍNH PHỦ BAN HÀNH GIẢI PHÁP THU HÚT LAO ĐỘNG TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19

CHÍNH PHỦ BAN HÀNH GIẢI PHÁP THU HÚT LAO ĐỘNG TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19

Chính phủ ban hành giải pháp thu hút lao động, chuyên gia trong bối cảnh dịch COVID-19

Ngày 09/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Theo đó, các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi thu hút lao động, chuyên gia trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gồm:

  1. Nhiệm vụ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

– Chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể:

+ Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

+ Quy định tại điểm a khoản 6 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

+ Quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kỹ thuật theo quy định tại khoản 3, 6 Điều 3 Nghị định này, là: Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận; văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật hoặc giấy phép lao động đã được cấp để chứng minh kinh nghiệm.

+ Quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8, khoản 7 Điều 9, khoản 5 Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Bản sao hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.

+ Cho phép người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực được cử, điều động hoặc biệt phái đến làm việc tại tỉnh, thành phố khác với thời hạn không quá 06 tháng và người sử dụng lao động phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động nơi người lao động nước ngoài đến làm việc mà không phải làm lại giấy phép lao động.

– Nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9 năm 2021 về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch COVID-19 với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm.

– Sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg theo trình tự, thủ tục rút gọn theo hướng giảm điều kiện, đơn giản hóa tối đa thủ tục, mở rộng đối tượng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách.

  1. Bộ Y tế hướng dẫn quy trình về cách ly y tế an toàn để các địa phương thực hiện thống nhất, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động đến và trở về từ các địa phương khác trong tháng 9 năm 2021.
  2. Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ:

– Tiếp tục thực hiện quyết liệt “Ngoại giao vắc xin”; vận động, thúc đẩy đối tác cung cấp vắc xin đúng cam kết về số lượng và thời hạn, sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và thuốc điều trị COVID-19, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

– Chủ trì, phối hợp xây dựng việc áp dụng cơ chế đặc biệt về kiểm soát y tế, phòng dịch sau khi nhập cảnh đối với một số trường hợp đặc thù nhưng phải bảo đảm an toàn chống dịch hiệu quả.

– Đẩy nhanh việc đàm phán, công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vắc xin” với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác nhằm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép.

– Tiếp tục rà soát quy trình, giải quyết thuận lợi việc nhập cảnh đối với các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài và thân nhân vào Việt Nam, đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch.

  1. Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn bằng cấp của giáo viên nước ngoài giảng dạy tại cơ sở đào tạo ngắn hạn, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
  2. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách, quy hoạch, đầu tư xây dựng khu nhà ở, lưu trú cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp…
  3. Các địa phương:

– Áp dụng thống nhất quy định cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

– Nghiên cứu có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại địa phương thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về, góp phần đảm bảo an sinh cho người lao động và trật tự an toàn, xã hội.

Nếu bạn cần thêm thông tin để biết công ty chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về những vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến số: 0903025736 – 0988 026 027 hoặc điền vào form dưới đây.

Scroll to Top