[Hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập Công ty cổ phần]
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì ai được phép đăng ký doanh nghiệp? Hồ sơ cần chuẩn bị để đăng ký thành lập Công ty Cổ phần gồm những gì? Pháp luật quy định như thế nào về trình tự, thủ tục đăng ký thành lập Công ty Cổ phần.
1. Đối tượng được phép đăng ký kinh doanh
Khoản 1 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam; trừ tổ chức, cá nhân thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
2. Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập Công ty Cổ phần
2.1. Chuẩn bị hồ sơ
Người thành lập doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập Công ty cổ phần theo quy định tại Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2020 được hướng dẫn tại Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách cổ đông sáng lập; Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;
- Bản sao Giấy tờ pháp lý:
- Của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Cá nhân đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư
2.2. Nộp hồ sơ
Theo Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, người thành lập hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp nộp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh theo một trong các phương thức sau: Trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh; Qua dịch vụ bưu chính; Qua mạng thông tin điện tử.
2.3. Giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp; Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Trên đây là thông tin liên quan đến Hồ sơ, Thủ tục đăng ký thành lập Công ty Cổ phần. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp liên quan đến nội dung này, Quý khách hàng vui lòng liên hệ KNALaw để được tư vấn.