CHỦ ĐỀ: TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

CHỦ ĐỀ: TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

CHỦ ĐỀ: TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Tóm tắt nội dung:

Ngày 28-02-2019, Ông Lâm Văn A và Công ty F ký Hợp đồng lao động với thời hạn 01 năm kể từ ngày 01-3-2019 đến 28-02-2020. Tổng thu nhập theo Hợp đồng là 37.600.000 đồng/tháng.

Thực tế ông A đã làm việc đến 28-6-2019 (gần 04 tháng) thì nhận được Quyết định số 02/QĐ-F ngày 28-6-2019 của Công ty F về việc chấm dứt hợp đồng lao động, với lý do ông A thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ.

Công ty F có đưa ra 2 Biên bản họp nội bộ ngày 18-5-2019 và ngày 22-6-2019 ghi nhận nội dung nhắc nhở việc ông A không hợp tác trong khi thực hiện nhiệm vụ, tự ý đề ra kế hoạch không thông qua người quản lý, không thường xuyên gửi báo cáo, có thái độ thiếu tích cực. Tuy nhiên, theo ông A, các biên bản trên là do Công ty F tự lập mà không có sự chứng kiến của ông.

Trong khoảng thời gian từ 28-6-2019 đến 28-7-2019, ông A không đến công ty làm việc nhưng vẫn được hưởng lương.

Đến ngày 28-7-2019, Công ty F ra Quyết định số 03/QĐ-F có nội dung chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông A, nhưng ông A không nhận vì Công ty F đã có Quyết định số 02/QĐ-F chấm dứt Hợp đồng lao động với ông vào ngày 28-6-2019 rồi.

Theo Công ty thì Quyết định số 02/QĐ-F ngày 28/6/2019 không phải là Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động chính thức mà chỉ được lập theo nguyện vọng của ông A để ông A làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, ông A không đồng ý với cách giải thích này.

Trong câu chuyện này, chúng tôi đã đề xuất như sau:

  • Việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời hạn của Công ty F với ông A không thuộc trường hợp được phép theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012. Cụ thể, Công ty F đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông A vì lý do ông A thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng nhưng không đưa ra được tiêu chí hoặc quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc làm cơ sở cho việc đánh giá của mình đối với ông A theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động 2012 và Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ. Ngoài ra, biên bản họp ngày 18/5/2019 và ngày 22/6/2019 chỉ là những biên bản họp nội bộ hàng tháng thường xuyên với nhiều nội dung, trong đó có nhắc nhở việc ông A không hợp tác khi thực hiện nhiệm vụ, tự ý đề ra kế hoạch không thông qua người quản lý, không thường xuyên gửi báo cáo và có thái độ thiếu tích cực và đó không phải là biên bản về việc ông A thường xuyên không hoàn thành công việc đã được giao kết trong hợp đồng.
  • Công ty F đã vi phạm thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động 2012. Cụ thể, Công ty đã không thông báo cho ông A biết trước ít nhất 30 ngày đối với với hợp đồng lao động xác định thời hạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông A theo Quyết định số 02/QĐ-F. Công ty cho rằng Quyết định số 02/QĐ-F ngày 28/6/2019 không phải là Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động chính thức mà chỉ được lập theo nguyện vọng của ông A để ông A làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng Công ty không cung cấp được chứng cứ hợp pháp cho việc này. Quyết định số 02/QĐ-F cũng không thể được xem là thông báo trước cho Quyết định số 03/QĐ-F về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Do đó, chỉ có căn cứ xác định ông bị chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn theo Quyết định số 02/QĐ-F ngày 28/6/2019 với thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 28/6/2019.

Như vậy, theo Điều 41 Bộ luật lao động 2012, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty F là trái pháp luật.

Theo yêu cầu của ông A, luật sư của KNALaw sau đó đã hỗ trợ ông A khởi kiện ra Toà án để yêu cầu Công ty F thực hiện đầy đủ nghĩa vụ do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Kết quả:

Toà án xác định Công ty F chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông A trước thời hạn trái pháp luật, tuy nhiên do ông A không có nguyện vọng trở lại công ty làm việc, nên căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 42 Bộ luật lao động 2012 (tương ứng với khoản 1, khoản 2 Điều 41 Bộ luật lao động 2019), Tòa đã tuyên buộc Công ty F thanh toán cho ông A:

  • 08 tháng lương không được làm việc (từ 28/6/2019 đến 28/02/2020)
  • Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: 08 tháng x 21,5% = 1,72 tháng lương;
  • 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động;
  • 01 tháng tiền lương do vi phạm thời hạn báo trước;

Tổng số tiền Công ty F phải thanh toán cho ông A là 405.386.400 đồng tương đương với 12,72 tháng lương, được tính dựa trên mức lương cơ bản làm căn cứ đóng bảo hiểm theo hợp đồng lao động là 31.870.000đ.

 

Nếu bạn cần thêm thông tin để biết công ty chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về những vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến số: 0903025736 – 0988 026 027 hoặc điền vào form dưới đây.

Scroll to Top