- Chủ thể có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020, chủ thể có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty.
- Cơ quan giải quyết
Theo quy định tại Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020, hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là:
- Tòa án;
- Trọng tài.
Lưu ý: Khi nộp đơn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông tại Trọng tài thì các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận này có thể có trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
- Các trường hợp yêu cầu hủy bỏ nghị quyết
Theo quy định tại Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020 cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật doanh nghiệp 2020 có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau:
- Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty (trừ trường hợp nghị quyết này được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết).
- Nội dung nghị quyết vi phạm luật hoặc Điều lệ công ty.
- Thời hạn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông.
Trên đây là một số thông tin về Điều kiện yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp liên quan đến Điều kiện yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Quý khách hàng vui lòng liên hệ KNALaw để được tư vấn.