THÂU TÓM CỔ PHẦN – RỦI RO CHO BỘ PHẬN CỔ ĐÔNG VỪA VÀ NHỎ

THÂU TÓM CỔ PHẦN – RỦI RO CHO BỘ PHẬN CỔ ĐÔNG VỪA VÀ NHỎ

THÂU TÓM CỔ PHẦN – RỦI RO CHO BỘ PHẬN CỔ ĐÔNG VỪA VÀ NHỎ

Câu hỏi:

Doanh nghiệp của tôi là công ty cổ phần. Hiện nay đang xuất hiện tình trạng cổ đông lớn bắt đầu thâu tóm, mua lại cổ phần nhằm mục đích kiểm soát công ty trong tương lai. Tôi biết điều này sẽ dẫn đến rủi ro cho bộ phận cổ đông vừa và nhỏ.

Vậy cho tôi hỏi, với thực tiễn như trên, những rủi ro mà cổ đông vừa và nhỏ có thể gặp phải là gì?

Trả lời:

Trong thế giới kinh doanh đang không ngừng phát triển, các chiến lược mua lại cổ phần nhằm kiểm soát các công ty ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc thâu tóm cổ phần có thể mang đến những tác động mạnh mẽ và đôi khi không mong muốn cho bộ phận cổ đông vừa và nhỏ. Bài viết này sẽ đi vào chi tiết về cơ chế thâu tóm cổ phần, các rủi ro mà nó mang lại cho cổ đông vừa và nhỏ, và cách mà pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền lợi của họ.

1. Thế nào là thâu tóm cổ phần?

Thâu tóm cổ phần là việc một tổ chức hay cá nhân chiếm được hoặc sở hữu một lượng cổ phần đáng kể trong công ty, nhằm kiểm soát và tác động đến quyết định kinh doanh, chiến lược phát triển của công ty đó. Quá trình này thường diễn ra thông qua việc mua lại, nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông hiện tại (cổ đông vừa và nhỏ) hoặc thông qua các thoả thuận, giao dịch liên quan đến chuyển quyền sở hữu cổ phần.

Mục tiêu của thâu tóm có thể rất đa dạng, từ việc tăng cường quyền lực trong công ty, đến việc thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu hoặc mở rộng quy mô hoạt động của công ty. Tuy nhiên, quá trình thâu tóm cổ phần không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho tất cả các chủ thể liên quan.

2. Thế nào là cổ đông lớn, vừa và nhỏ?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về khái niệm cổ đông vừa và nhỏ, tuy nhiên, đã có quy định để phân biệt cổ đông lớn. Theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019, cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành. Cổ phiếu có quyền biểu quyết nằm trong cổ phần phổ thông (CPPT) hoặc cổ phần ưu đãi biểu quyết. 

Bài viết này sẽ đặt ra giả thiết rằng, tại công ty trong đề bài, mỗi CPPT chỉ có một cổ phiếu có quyền biểu quyết và không có cổ phần ưu đãi biểu quyết. Vậy, với việc sở hữu dưới 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết (tức sở hữu dưới 5% tổng số CPPT) thì cổ đông vừa, đặc biệt là cổ đông nhỏ có những quyền gì trong công ty cổ phần?

3. Các quyền của cổ đông phổ thông vừa và nhỏ trong công ty cổ phần:

Căn cứ theo pháp luật doanh nghiệp, trường hợp Điều lệ công ty không có quy định nào khác với Luật Doanh nghiệp Việt Nam hiện hành, theo quy định tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ đông phổ thông vừa và nhỏ (tức cổ đông sở hữu dưới 5% tổng số CPPT) có các quyền sau:

  • Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty (ĐLCT), pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông (CPPT) có một phiếu biểu quyết;
  • Nhận cổ tức với mức theo quyết định của ĐHĐCĐ;
  • Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu CPPT của từng cổ đông trong công ty;
  • Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác (trừ CPPT của cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp GCNĐKDN hoặc ĐLCT có quy định hạn chế khác);
  • Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình;
  • Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp ĐLCT, biên bản họp ĐHĐCĐ và nghị quyết ĐHĐCĐ;
  • Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.

Ngoài ra, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% và từ 10% tổng số CPPT trở lên có các quyền khác lần lượt quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Bài viết này sẽ không phân tích hai dạng cổ đông hoặc nhóm cổ đông này vì không thuộc bộ phận cổ đông vừa và nhỏ (sở hữu hơn 5% tổng số CPPT).

4. Với những quyền trên thì bộ phận cổ đông vừa và nhỏ có thể gặp phải những rủi ro gì trong nội bộ công ty?

Một trong những rủi ro lớn nhất là sự áp đặt ý chí của cổ đông thâu tóm lên cổ đông vừa và nhỏ, trong đó có cả quyết định về chiến lược kinh doanh và quản trị. Cổ đông vừa và nhỏ thường không có đủ quyền lực và tài chính để tham gia vào quyết định này, dẫn đến việc họ bị loại trừ khỏi quá trình ra quyết định quan trọng. Hơn nữa, việc thâu tóm cổ phần có thể dẫn đến sự biến đổi về văn hóa tổ chức và giá trị cốt lõi của công ty. Những thay đổi này có thể không phản ánh mong muốn của cổ đông nhỏ và vừa và có thể gây ra sự không ổn định trong việc đảm bảo lợi ích của tất cả cổ đông.

Có thể thấy, với tất cả những quyền của cổ đông vừa và nhỏ được đề cập phía trên, chỉ có một hành động nhỏ mà cổ đông vừa và nhỏ có thể thực hiện để tìm kiếm khả năng, cơ hội tác động đến quyết định của cổ đông/nhóm cổ đông lớn hay cổ đông thâu tóm, đó là tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ và thực hiện quyền biểu quyết. Tuy nhiên, rất khó để một cổ đông hay một nhóm cổ đông vừa và nhỏ (trường hợp nhóm cổ đông không đủ lớn) có thể đủ sức ảnh hưởng đến việc quyết định của cổ đông thâu tóm được thông qua.

Ngoài ra, chưa kể đến việc cổ đông vừa và nhỏ có thể bị đẩy ra khỏi tổ chức, loại bỏ khỏi thành phần cổ đông theo ý chí của cổ đông thâu tóm; bị mất đi tiếng nói, mất đi quyền được đưa ra và đóng góp ý kiến trong tổ chức.

5. Giải pháp nào cho những rủi ro trên?

  • Thứ nhất, với mỗi cá nhân, tổ chức là cổ đông vừa và nhỏ sở hữu dưới 5% tổng số CPPT trong công ty, cần tận dụng tối đa các quyền của họ, đặc biệt là “quyền tham dự, phát biểu trong cuộc họp ĐHĐCĐ và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do ĐLCT, pháp luật quy định”. Không nên mặc định nghĩ rằng mình là cổ đông vừa và nhỏ, ý kiến phát biểu hay việc mình có biểu quyết hay không đều sẽ không ảnh hưởng gì đến quyết định của cổ đông thâu tóm. Ngược lại, cổ đông vừa và nhỏ cần nghiêm túc và tận dụng tối ưu quyền này để nêu ra những ý kiến khách quan, đa chiều nhằm tạo được tính thuyết phục và sự đồng cảm, đồng thuận từ phía nhiều cổ đông khác, sẽ tạo được vị thế cho ý kiến của họ.
  • Thứ hai, tìm kiếm đồng minh, tìm kiếm đối tác là những cổ đông vừa và nhỏ khác, nhằm tạo nhóm cổ đông có đủ năng lực và tài chính để mở rộng quyền và khả năng tạo sự tác động. Bởi vì khi cổ đông hoặc nhóm cổ đông trở hữu từ 5% tổng số CPPT trở lên, họ được mở rộng quyền, đặc biệt là quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ (trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; và/hoặc trường hợp khác theo ĐLCT quy định) và quyền yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Hay khi cổ đông hoặc nhóm cổ đông trở hữu từ 10% tổng số CPPT trở lên, họ tiếp tục được mở rộng quyền khác là quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và quyền khác quy định trong ĐLCT (nếu có). Có thể thấy, tỷ lệ sở hữu CPPT càng lớn, quyền của cổ đông/nhóm cổ đông vừa và nhỏ càng được mở rộng và gia tăng sức ảnh hưởng. Vậy nên, cổ đông/nhóm cổ đông vừa và nhỏ cần tạo đồng minh để bảo toàn và gia tăng vị thế trong thành phần cổ đông.
  • Thứ ba, không thể không nhắc đến việc cổ đông vừa và nhỏ cần trang bị tốt kiến thức pháp luật về doanh nghiệp. Cổ đông vừa và nhỏ cần nắm rõ quy định pháp luật về doanh nghiệp nhằm tự bảo vệ tối quyền lợi hợp pháp của mình, đặc biệt là quy định liên quan đến loại hình công ty cổ phần vì đây vừa là loại hình doanh nghiệp mà cổ đông đang tham gia, vừa là loại hình phức tạp nhất trong pháp luật về doanh nghiệp.

**Kết Luận**

Trong bối cảnh thị trường kinh doanh phức tạp, thâu tóm cổ phần có thể mang lại nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đồng thời gây ra rủi ro cho cổ đông vừa và nhỏ. Pháp luật Việt Nam đã thiết lập các quy định để bảo vệ quyền lợi của bộ phận cổ đông vừa và nhỏ trong quá trình này. Tuy nhiên, sự cân nhắc kỹ lưỡng và tham gia tích cực của cổ đông vừa và nhỏ vẫn đóng vai trò quan trọng để đảm bảo quyền lợi của họ được bảo vệ trong môi trường kinh doanh đầy thách thức hiện nay.

Nếu bạn cần thêm thông tin để biết công ty chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về những vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến số: 0903025736 – 0988 026 027 hoặc điền vào form dưới đây.

Scroll to Top