TRÁCH NHIỆM HÀNH CHÍNH PHÒNG KHÁM CÓ THỂ GẶP PHẢI TRONG QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG

TRÁCH NHIỆM HÀNH CHÍNH PHÒNG KHÁM CÓ THỂ GẶP PHẢI TRONG QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG

TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ PHÒNG KHÁM CÓ THỂ GẶP PHẢI TRONG QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG

Hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động kinh doanh của phòng khám nói riêng ngoài việc phải tuân thủ tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, còn cần phải tuân theo các quy định pháp luật chuyên ngành áp dụng cho ngành nghề kinh doanh của phòng khám và pháp luật áp dụng chung như pháp luật về dân sự, doanh nghiệp, đầu tư, thuế, lao động,… Việc không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định pháp luật liên quan có thể dẫn đến một hoặc nhiều trách nhiệm pháp lý cho phòng khám và cả người đứng đầu của phòng khám.

TRÁCH NHIỆM HÀNH CHÍNH

Trách nhiệm hành chính là một loại trách nhiệm pháp lý do Nhà nước đặt ra, đó là hậu quả bất lợi mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gánh chịu trước Nhà nước.

Trong quá trình thành lập, hoạt động và chấm dứt hoạt động, phòng khám có nghĩa vụ phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, mà cụ thể là phải thực hiện hoặc không thực hiện một số hành vi nhất định được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như hiến pháp, bộ luật, luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư… Việc không thực hiện hành vi mà pháp luật quy định phải thực hiện hoặc thực hiện hành vi mà pháp luật quy định không được thực hiện (nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) đều có thể dẫn đến việc phòng khám bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với việc khám bệnh, chữa bệnh, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính có thể là cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tiền tối đa là 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phòng khám có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng đối với giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng và bị buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc nộp lại giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Để biết được những hành vi phải thực hiện, những hành vi không được thực hiện cũng như việc phòng khám đã tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hay chưa và hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm cụ thể trong việc khám bệnh, chữa bệnh, phòng khám có thể tham khảo một số văn bản quy phạm pháp luật sau đây: Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 do Quốc hội khoá XII ban hành ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011, các văn bản hướng dẫn thi hành gồm các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Y tế trong đó Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 là văn bản quy định về các hành vi vi phạm hành chính và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Bên cạnh các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, để hạn chế rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động kinh doanh, phòng khám cần nắm được các quy định pháp luật khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động và chấm dứt hoạt động của phòng khám được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 do Quốc hội khoá XIV ban hành ngày 17/06/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 do Quốc hội khoá XIV ban hành ngày 20/11/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 do Quốc hội khoá XIV ban hành ngày 13/06/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020 và các văn bản hướng dẫn của các bộ luật, luật này.

Nếu bạn cần thêm thông tin để biết công ty chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về những vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến số: 0903025736 – 0988 026 027 hoặc điền vào form dưới đây.

Scroll to Top