Nhận biết các cuộc gọi mạo danh, lừa đảo
Hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển thêm vào đó do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm thay đổi cơ bản thói quen làm việc của người dân, các hoạt động truyền thông, internet di động ngày càng phổ biến và được chấp nhận rộng rãi nên việc người dân thường xuyên nhận được các cuộc gọi từ cơ quan chính quyền, ngân hàng, hay cơ quan nhà nước khác thay cho các hoạt động làm việc trực tiếp tại các cơ quan ngày càng gia tăng. Do đó, có không ít cá nhân đã lợi dụng công nghệ viễn thông để thực hiện các hành vi lừa đảo. Cụ thể, nhiều người đã bị các cuộc gọi đầu số quốc tế mạo danh lừa đảo tính phí. Vừa qua, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT vừa cảnh báo về tình trạng bùng phát cuộc gọi mạo danh để lừa đảo.
Theo VNPT, nhiều người dân nhận được các cuộc gọi nhỡ từ các đầu số nước ngoài như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226). Thực chất đây là các cuộc gọi nháy máy từ thuê bao nước ngoài đến thuê bao Việt Nam, bao gồm cả cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT (Ứng dụng OTT là thuật ngữ để chỉ các ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet và không một nhà cung cấp hoặc bất kỳ cơ quan nào có thể can thiệp), nhằm mục đích lôi kéo lừa đảo người dân gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn.
Đặc biệt, các cuộc gọi này thường vào thời điểm buổi tối hoặc trong thời gian nửa đêm về sáng, khi người dân còn ngái ngủ, hoặc tưởng người thân gọi về Việt Nam có chuyện cần gấp.
VNPT cho biết có một số dấu hiệu nhận biết cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo: Các cuộc gọi, tin nhắn Quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc hoặc 00 ở đầu, 2 số tiếp theo không phải là 84 (mã nước Việt Nam).
Các cuộc gọi này xuất hiện hiện dưới dạng nháy máy hoặc có kết nối thời lượng rất ngắn có nội dung thông báo yêu cầu người dân gọi lại. Với tin nhắn cũng sẽ có nội dung yêu cầu gọi lại.
Theo đại diện VNPT, với những cuộc gọi này, người dân không thực hiện gọi lại những số máy xuất hiện ở những cuộc gọi nhỡ, gọi đến, tin nhắn có dấu hiện như trên. Chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.
Các ứng dụng có tính năng thực hiện cuộc gọi thông thường có thông báo mời người dân lựa chọn giữa cuộc gọi có tính phí và cuộc gọi không tính phí. Vì vậy, người dùng cần lưu ý kiểm tra kỹ hình thức thực hiện cuộc gọi đang sử dụng, tránh phát sinh cước ngoài ý muốn.
Một hình thức lừa đảo nữa đó là mạo danh các cơ quan nhằm chiếm đoạt tài sản. Kịch bản quen thuộc của tội phạm đó là gọi điện nhắn tin mạo danh công an, Viện kiểm sát “dọa” nạn nhân liên quan đến vụ án ma túy yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản, mật khẩu để phục vụ công tác điều tra. Một số trường hợp cuộc gọi, tin nhắn thông báo có quà từ nước ngoài nên yêu cầu người nhận chuyển khoản tiền phí mới nhận được quà.
KNALaw khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đối với các cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc bưu điện thông báo có quà… tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào.
Trên đây là các thông tin KNA thu thập và chia sẻ cho Quý người dân, để biết thêm chi tiết Quý khách vui lòng liên hệ KNA để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Trân trọng.
Theo Sở thông tin và truyền thông Tp. HCM.